Bao bì sản phẩm là gì? Chức năng của bao bì sản phẩm?
Bao bì sản phẩm là gì?
– Đầu tiên chúng ta cần biết được bao bì sản phẩm là gì để hiểu rõ hơn về chúng. Bao bì là một sản phẩm đặc biệt, được dùng để bao bọc và chứa đựng, nhằm bảo vệ giá trị sử dụng của hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, bảo quản trong kho và tiêu thụ sản phẩm. Bao bì sản phẩm có liên quan đến cách thức bảo quản và trưng bày sản phẩm. Thông thường, bao bì được thiết kế rất hấp dẫn, phù hợp với sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người tiêu dùng.
2. Phân loại bao bì sản phẩm
– Có nhiều cách phân loại bao bì sản phẩm khác nhau tùy vào đặc tính của từng loại. Do đó khách hàng cần xem xét để lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp nhất.
a. Phân loại theo công dụng
+ Bao bì trong: loại bao bì này dùng để đóng gói hàng hoá, nó trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm, thường được bán cùng sản phẩm. Do đó, giá trị của nó được cộng luôn vào giá trị sản phẩm đem bán.
+ Bao bì ngoài (hay bao bì vận chuyển): loại này có tác dụng bảo vệ nguyên vẹn số lượng và chất lượng sản phẩm, phục vụ cho việc chuyên chở sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng.
b. Phân loại theo độ chịu nén
Độ cứng có 3 dạng: bao bì cứng, bao bì nửa cứng và bao bì mềm.
+ Bao bì cứng: có khả năng chịu được các tác động cơ học từ bên ngoài, tải trọng của sản phẩm bên trong, giữ nguyên hình dạng khi thực hiện việc chứa đựng, vận chuyển, xếp dỡ.
+ Bao bì nửa cứng: loại này có đầy đủ tính vững chắc khi thực hiện chứa đựng sản phẩm và vận chuyển; tuy nhiên bị giới hạn ở mức độ nhất định. Nó có thể bị biến dạng dưới sức nặng của hàng hoá, tác động sức ép khi chất đống hàng, tác động cơ học (va đập, rung xóc) khi vận chuyển.
+ Bao bì mềm: dễ bị biến dạng khi chịu tác động của trọng tải hàng hoá và tác động cơ học từ bên ngoài, dễ thay đổi hình dạng. Tuy nó chịu được tác động, va chạm trong quá trình bốc dỡ vận chuyển, nhưng bao bì loại này lại là phương tiện để truyền các tác động đó vào hàng hoá và thường dùng cho các sản phẩm dạng hạt, bột, không bị ảnh hưởng bởi các tác động cơ học đến chất lượng sản phẩm.
c. Phân loại bao bì theo vật liệu chế tạo
+ Bao bì bằng giấy, carton và bìa
– Đây là loại bao bì phổ biến hiện nay trên thị trường quốc tế và trong nước. Nó chiếm khoảng 70% các loại bao bì sử dụng. Loại bao bì này có các tính chất sau: Về mặt lý học: chống ẩm, chịu xé, chịu gấp và chịu sự va đập (có độ cứng cao); Về hoá học: bền với hóa chất, bền với nhiệt (chịu nóng tốt), bắt lửa kém, chống được côn trùng, vi trùng; Sinh lý học: không mùi, không vị, không độc; Tâm lý học: bề mặt phẳng, dễ in ấn trang trí, dễ sử dụng. Loại này có khả năng thu hồi vật liệu để tiếp tục quá trình sản xuất các loại bao bì hàng hoá khác
+ Bao bì bằng các vật liệu nhân tạo, tổng hợp các loại vật liệu
Ví dụ như các loại bao bì được sản xuất từ chất liệu polime, cao su nhân tạo, màng chất dẻo, bao bì nhựa cứng… hoặc kết hợp nhiều loại vật liệu khác để sản xuất ra các loại bao bì đảm bảo được yêu cầu trong bảo quản, vận chuyển sản phẩm.
+ Bao bì bằng thuỷ tinh, đồ gốm
– Thường để chứa đựng các sản phẩm dạng lỏng như dược phẩm, hoá chất, rượu bia, nước giải khát… loại này không độc, không phản ứng với hàng hoá, có độ cứng nhất định, nhưng rất dễ vỡ khi bị va chạm, rung xóc trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ.
3. Chức năng của bao bì sản phẩm
Chức năng của bao bì sản phẩm khá đa dạng. Nên mang đến rất nhiều lợi ích cho người dùng.
+ Bảo vệ sản phẩm
– Đây là chức năng nguyên thủy nhất của bao bì. Bao bì giúp bảo vệ sản phẩm bên trong khỏi bị vỡ, tránh rung, va đập, ảnh hưởng của nhiệt độ và môi trường bên ngoài.
+ Chức năng ngăn cách
– Ngăn cách không cho sản phẩm bị dính nước, bụi bẩn. Bao bì cũng giúp ngăn cách sản phẩm không bị ô xy hóa hay bị nhiễm khuẩn.
+ Giúp vận chuyển dễ dàng hơn
– Một số loại sản phẩm nếu không có bao bì sẽ không có khả năng vận chuyển. Ví dụ: đường, muối, café rang xay … trong trường hợp này bao bì là phương thức đơn giản và hiệu quả mang sản phẩm đến người tiêu dùng.
+ Truyền tải thông tin
– Một trong những chức năng cơ bản và cổ xưa nhất của bao bì là để truyền tải thông tin. Những thông tin được in ấn trên bao bì bao gồm cả những thông tin bắt buộc hoặc không bắt buộc như: tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, công dụng, chức năng, thông tin nhà sản xuất, hạn sử dụng …
+ Giảm thiểu trộm cắp
– Bao bì luôn được thiết kế để bao gói sản phẩm và chỉ mở được 1 lần. Vì thế, một khi đã mở bao bì thì người ta không thể đóng lại được nữa hoặc khi đóng lại sẽ để lại dấu hiệu nhận biết. Chính điều này làm giảm nguy cơ sản phẩm bị ăn trộm.
+ Đảm bảo tiện lợi
– Sản phẩm được máy đóng gói bao bì có thể dễ dàng vận chuyển, phân phối, bày bán trên giá kệ siêu thị, mở ra và đóng vào, sử dụng nhiều lần.
+ Chức năng marketing
– Bao bì là một vũ khí bí mật trong marketing. Bao bì giúp tác động đến người mua và khích lệ hành vi của người tiêu dùng. Ngày nay, vai trò của bao bì ngày càng trở nên quan trọng hơn trong việc xây dựng một thương hiệu mạnh và nhất quán. Các doanh nghiệp quan tâm đến việc thiết kế bao bì chuyên nghiệp, ấn tượng như một lợi thế bán hàng hiệu quả, giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng và đồng thời giảm chi phí cho các hoạt động quảng bá sản phẩm.
4. Lưu ý khi thiết kế bao bì sản phẩm
– Khi lựa chọn cần lưu ý khi thiết kế bao bì sản phẩm sao cho phù hợp nhất. Dưới đây là một số yếu tố mà khách hàng cần cân nhắc khi lựa chọn:
+ Chọn chất liệu phù hợp với sản phẩm
– Với bao bì giấy và vỏ hộp, bạn nên lựa chọn chất liệu dựa trên khối lượng và tính chất của sản phẩm. Việc làm này mang lại 3 tác dụng: thứ nhất để thể hiện tinh thần của thương hiệu, thứ hai để đảm bảo tuổi thọ bao bì cũng như công dụng chứa đựng và cuối cùng giúp mang tới hiệu quả về mặt thẩm mỹ.
– Bạn có thể chọn các loại giấy couche, ivory, duplex… cho những sản phẩm nhỏ và nhẹ như mỹ phẩm, dược phẩm, bánh kẹo…. Với hộp đựng giày hay đựng bánh pizza, chất liệu cần dày và chắc chắn hơn như carton 3 lớp để đảm bảo độ bền. Một số mặt hàng cao cấp khác như trang sức, phụ kiện nên được đựng trong mẫu thiết kế từ chất liệu carton lạnh, gỗ ép với độ bền cao và hình thức sang trọng.
+ Kích thước của bao bì giấy, vỏ hộp
– Bao bì giấy hoặc vỏ hộp đều có tác dụng chứa đựng và làm đẹp thêm cho sản phẩm, bởi vậy kích thước của chúng cần được tính toán theo sản phẩm bên trong để đảm bảo sự cân đối, tránh tình trạng sản phẩm “lọt thỏm” trong hộp hoặc bao bì quá nhỏ tới mức chỉ đủ để “ôm” chặt lấy sản phẩm.
+ Phân bố thông tin hợp lý trên vỏ hộp
– Bao bì giấy và vỏ hộp thường có hình hộp chữ nhật hoặc hình trụ và có ít nhất 6 mặt. Bạn cần xác định đâu sẽ là mặt chính và các mặt phụ trợ để sắp xếp hình ảnh, biểu tượng, thông điệp và thông tin một cách hợp lý.
– Những thông tin chính sẽ bao gồm tên gọi sản phẩm, thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản… và cần được cung cấp một cách rõ ràng, cụ thể, dễ đọc, dễ hiểu.
+ Quy cách đóng mở bao bì giấy hoặc nắp hộp
– Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm và thói quen sử dụng của khách hàng mà bạn có thể thiết kế vị trí đóng – mở hoặc nắp hộp một cách phù hợp. Những quy cách đóng mở phổ biến mà bạn có thể cân nhắc là nắp hộp âm dương, nắp cài, nắp khóa, nắp dán băng keo…
– Yếu tố này quyết định sự tiện dụng của thiết kế bao bì và khả năng bảo quản, cất giữ sản phẩm, có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý khi sử dụng và hành vi mua sắm của khách hàng.
+ Kỹ thuật in ấn
– Trong rất nhiều kỹ thuật in hiện đại ngày nay, in offset và in UV là hai kỹ thuật được các thương hiệu ứng dụng phổ biến trong thiết kế bao bì giấy, vỏ hộp. Chúng cho ra chất lượng hình ảnh in sắc nét, đẹp đẽ, không bị lem mực và giữ tuổi thọ lâu dài. Có những kỹ thuật còn tạo được hiệu ứng 3D trên bao bì giấy rất độc đáo và hấp dẫn.